Dưới đây là những số liệu thống kê về Email Marketing:
- Theo Campaign Monitor (2019), tỷ lệ trung bình mở email trong các ngành công nghiệp là khoảng 17,92%, và tỷ lệ trung bình nhấp vào liên kết trong email là khoảng 2,69%
- Theo báo cáo của DMA (Direct Marketing Association) (2020): Email marketing có tỷ lệ hoàn trả đầu tư (ROI) cao hơn so với nhiều phương thức tiếp thị khác. Trung bình, mỗi đô la đầu tư vào email marketing có thể mang lại khoảng 42 đô la doanh thu.
- Theo khảo sát Litmus (2021), 77% chuyên gia tiếp thị cho rằng email marketing là một công cụ hiệu quả để tiếp thị và tạo tương tác với khách hàng.
- Theo báo cáo HubSpot (2021), 78% chuyên gia tiếp thị đánh giá email marketing là một kênh quan trọng để nâng cao tương tác với khách hàng và 59% các doanh nghiệp xác định email marketing là một yếu tố quan trọng trong chiến lược tiếp thị.
Vậy thì tại sao các doanh nghiệp không lên kế hoạch triển khai các chiến dịch Email Marketing cho chính mình.
Sau đây là 5 bước để làm tốt việc triển khai một chiến dịch Email Marketing:
Bước 1: Xác định mục tiêu của chiến dịch
Bước đầu tiên trong quá trình xây dựng chiến dịch email Marketing là xác định mục tiêu, vì sao bạn cần phải lên chiến dịch này.
Gửi email theo chiến dịch không phải là gửi hàng loạt email cho danh sách email của bạn và hy vọng khách hàng sẽ nhấp mở. Mà mỗi một chiến dịch đều cần có một mục tiêu cụ thể, các email trong chiến dịch cần gắn chặt mục tiêu đó và có sự liên kết với nhau.
Vậy bạn muốn đạt được điều gì khi chạy chiến dịch email marketing?
- Xây dựng hình ảnh thương hiệu
- Tiếp cận các khách hàng tiềm năng
- Gia tăng doanh số với các khách hàng hiện tại
- Chăm sóc cũng như duy trì mối quan hệ với khách hàng lâu năm
Sẽ còn nhiều mục tiêu khác nữa phù hợp với từng doanh nghiệp, từng giai đoạn trong hành trình bán hàng của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cần phải chắc chắn rằng khi đặt mục tiêu cho từng chiến dịch thì phải xác định mục tiêu rõ ràng, không mơ hồ và có thể đo lường được. Việc này sẽ giúp chúng ta điều chỉnh cách làm sao cho chiến dịch đi đúng với hướng đã đề ra.
Bước 2: Phân loại danh sách email
Việc phân loại các liên hệ trong danh sách email khi gửi chạy chiến dịch email sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Vì không phải email nào cũng phù hợp với tất cả mọi người trong danh sách người nhận.
Phân khúc nhóm đối tượng giúp truyền tải thông điệp phù hợp với người nhận, giải quyết được nhu cầu của họ, từ đó gia tăng được tỷ lệ chuyển đổi
Bạn có thể phân khúc theo các yếu tố như:
- Vị trí địa lý
- Hình thức lựa chọn tham gia
- Nơi để lại thông tin
- Thông tin chung như tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp,…
- Lịch sử mua hàng/ trải nghiệm dịch vụ
- ……
Bước 3: Lập kế hoạch gửi mail để đảm bảo chiến dịch Marketing hiệu quả
- Xác định nội dung gửi Email
Khi bạn đã xác định được đối tượng bạn muốn gửi email, đây là lúc bạn phải suy nghĩ về nội dung email marketing – những gì bạn sẽ nói với họ. Hãy suy nghĩ về lý do tại sao họ đăng ký nhận bản tin email của bạn, sau đó tập trung truyền tải nội dung hữu ích đến họ.
Hãy chia sẻ lại nội dung mà bạn đã gửi email qua các trang mạng xã hội hoặc một bài đăng trên trang web của bạn để đảm bảo rằng người đăng ký của bạn không bỏ lỡ nó, đây là những điều mà các follower của bạn có thể sẽ thấy thú vị. Hãy suy nghĩ về nội dung bạn muốn tạo riêng cho đối tượng này, họ thường sẽ quan tâm đến vấn đề gì?
- Viết dòng tiêu đề phù hợp với nội dung
Dòng tiêu đề email giống như tiêu đề của một tờ báo, một bài viết,..nó được xem là điểm chạm đầu tiên khi người đọc tiếp cận email. Vì vậy dòng tiêu đề cần phải thu hút sự chú ý của họ để tăng tỷ lệ mở email.
Tuy nhiên, hấp dẫn, thu hút nhưng tránh quá đà mà xa vời đi nội dung trong đề cập trong email. Rất nhiều trường hợp tiêu đề rất hấp dẫn nhưng bấm đọc email thì chẳng liên quan gì đến tiêu đề cả. Điều này gây ấn tượng rất xấu với khách hàng của bạn. Do đó tiêu đề chỉ cần hấp dẫn ĐỦ để gây sự tò mò.
- Tần suất gửi mail
Đây chính là số lần email được gửi đến danh sách người nhận. Không nên gửi hàng loạt email trong một thời gian ngắn, cũng không nên “bỏ quên” việc gửi thư trong thời gian dài. Để duy trì liên lạc với khách hàng, tần suất gửi sẽ tùy thuộc vào loại email bạn gửi.
Đối với email cung cấp thông tin thì sẽ thích hợp để gửi mỗi tuần một lần. Song, email quảng cáo gửi ít thường xuyên hơn để tránh nguy cơ vào spam.
Bước 4: Lựa chọn phần mềm Email Marketing phù hợp
Bước tiếp theo trong hướng dẫn lập kế hoạch email marketing đó là lựa chọn phần mềm email marketing.
Phần mềm email marketing được phát triển để hỗ trợ marketers giảm thiểu những tác vụ thủ công khi triển khai email marketing, giúp marketers có thể tiếp cận và thu hút khách hàng tiềm năng hiệu quả. Việc lựa chọn phần mềm email marketing phù hợp cũng là bước quan trọng khi marketers lập kế hoạch email marketing của mình.
Bước 5: Xây dựng phương án đo lường, KPI và đánh giá hiệu quả hoạt động
Tuỳ thuộc vào mục tiêu đề ra của chiến dịch mà chúng ta tập trung hơn vào các chỉ số đo lường KPI cụ thể để từ đó đánh giá hiệu quả hoạt động
Ví dụ như:
- Mục tiêu: Tăng nhận thức về thương hiệu --> Đo lường lượng Traffic về website đến từ các đường dẫn trong email
- Mục tiêu: Tạo ra nhiều khách hàng tiềm năng --> Số Leads, MQL, SQL đến từ các chiến dịch email marketing
- Mục tiêu: Tạo ra doanh số --> Doanh thu đến từ các chiến dịch email marketing
Ngoài ra, chúng ta cũng cần theo dõi các chỉ số khác như:
– Tỷ lệ gửi thành công
– Tỷ lệ mở
– Tỷ lệ click
– Tỷ lệ chuyển đổi
KẾT LUẬN: Để có một chiến dịch email marketing mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp thì quá trình chuẩn bị, triển khai và kết thúc đòi hỏi sự đầu tư thời gian và công sức của những người tham gia.
Chúc các bạn thành công!